Chúng tôi tri ân những người đã chịu nhiều thiệt thòi” : Gần 15,000 lượt người tham dự “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH”
Sunday, June 25, 2006
Gần 15,000 lượt người đã tham dự một đại nhạc hội kéo dài gần bảy tiếng đồng hồ vào ngày 25 Tháng Sáu, 2006, tại Trung Học Bolsa Grande, Garden Grove, California. (Hình: Vũ Ðình Trọng/Người Việt) | |
Thục Văn/NV
WESTMINSTER, California - Dù nắng gay gắt và theo thông báo, chương trình
sẽ kéo dài cho đến bảy giờ tối, ngay từ 11 giờ 30 trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Sáu,
2006, nửa tiếng trước giờ khai mạc Ðại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương
Binh Việt Nam Cộng Hòa,” hàng ngàn người Việt đã tề tựu tại sân vận động của
trường Trung Học Bolsa Grande thuộc thành phố Garden Grove, California, để
chờ tham dự Ðại nhạc hội này.
Các bãi đậu xe quanh trường trung học Bolsa Grande và công viên Garden Grove đều chật cứng, những người đến sau giờ khai mạc một chút đành phải đậu xe dọc các con đường nhỏ, đối diện sân vận động của trường Bolsa Grande. Bà Thu Trần, ở Westminster, một trong những khán giả có mặt trước giờ khai mạc, cho biết:
“Tôi tin lát nữa, lượng người tham dự sẽ đông hơn. Tôi đến sớm để giữ chỗ cho gia đình. Sau khi trận Hòa Lan và Bồ Ðào Nha kết thúc, ông xã tôi sẽ đưa mấy
đứa nhỏ tới đây.”
Ðại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa” do Hội H.O. Cứu trợ Thương phế binh và Quả phụ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức. Bà Nguyễn
Hạnh Nhơn, cựu Trung tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đại diện Ban Tổ chức, tâm sự: “Cuộc chiến tranh đã qua để lại nhiều đau thương. Hàng trăm ngàn người lính đã hy sinh bỏ lại cha mẹ già, vợ dại, con thơ không nơi nương tựa. Hàng trăm ngàn người lính khác trở thành phế nhân, kiếm sống hết sức cực khổ.
Trước đây, đã có một số nơi, một số người giúp đỡ thương binh và quả phụ Việt Nam Cộng Hòa nhưng chỉ như muối bỏ bể. Lần này, Hội H.O. Cứu trợ Thương
phế binh và Quả phụ Việt Nam Cộng Hòa mạnh dạn tổ chức Ðại nhạc hội này để gây quĩ nhằm có thể giúp đỡ họ hữu hiệu hơn.”Thiện ý đó đã được nhiều cá nhân và tổ chức đáp ứng. Ngoài sự hỗ trợ của Tổng hội Sinh viên Việt Nam, Trung tâm Asia, Ðài Truyền hình SBTN, còn có rất nhiều đoàn thể tham gia. Theo Ban Tổ chức, “đã có cả trăm nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, MC
ghi danh biểu diễn không nhận thù lao trong Ðại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa.” Rất nhiều khán giả tham dự đại nhạc hội, hoặc
gửi tiền trực tiếp cho Ban Tổ chức, hoặc bỏ tiền vào các thùng lạc quyên. Những người Việt ở xa, chỉ có thể theo dõi đại nhạc hội qua sóng của Ðài Truyền hình
SBTN (tường thuật trực tiếp) thì đóng góp qua điện thoại. MC Trịnh Hội tiết lộ:
“Ban Tổ chức có sáu lines để nhận điện thoại của đồng bào ở Hoa Kỳ và Canada gọi vào và cả sáu đều bận liên tục.”Ðại nhạc hội có những khán giả đặc biệt, như cựu Trung Sĩ Nhất Dương Văn Hồng, nguyên Tiểu đội trưởng một tiểu đội Thám báo của Chi khu Thạnh Phú, Tiểu khu Kiến Hòa, bị cụt tay phải và một ngón bàn tay trái, đứt động mạch đùi trái vào
Tháng Tư, 1972. Ông kể: “Tuy tôi đã tàn phế nhưng năm 1978, tôi vẫn bị bắt đi cải tạo 5 năm bởi họ xem tôi là ác ôn, có nợ máu, không thể dung tha. Ðến khi
được tha, tôi tiếp tục bị quản chế. Chịu không nổi, năm 1990, tôi vượt biên. Khi còn ở Indonesia, thương binh như tôi và quả phụ, con em tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã được Hội Thương binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa giúp đỡ, khi thiếu thốn, được giúp đỡ mới hiểu hết giá trị của sự giúp đỡ. Bây giờ, ở Bến Tre quê tôi, vẫn còn rất nhiều thương binh và quả phụ, con em tử sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, họ hết sức nghèo khổ. Họ không chỉ cần giúp đỡ cơm áo, xe lăn, chân giả, tay giả. Anh em rất tủi thân vì sự hy sinh của họ bị lãng quên nên cần được an ủi cả về tinh thần.” Ông Trần Thy Vân, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội 1, Tiểu đoàn 21, Liên đoàn 1 Biệt Ðộng Quân, bị mất hai chân trong một trận chiến tại Mộ Ðức, Quảng Ngãi vào Tháng Ba, 1974, góp thêm: “Sau Tháng Tư, 1975, phần lớn thương binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phải đi xin ăn, sau này lúc có vé số, anh em mới chuyển qua bán vé số kiếm sống. Ða số anh em kiếm sống hết sức chật vật. Có trải qua cảnh đó mới biết, mới dễ thông cảm. Hội Thương binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng quyên góp giúp đỡ một số anh em bị cụt hai tay, cụt hai chân, mù hai mắt, liệt tứ chi nhưng không xuể. Thương binh, quả phụ và con em tử sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đói khổ, cần giúp đỡ nhiều chết cũng nhiều. Tổ chức giúp đỡ càng sớm, càng tốt.
Cần nhất là làm sao để đưa quà tặng của mình đến tận tay người nhận. Nếu làm không khéo thì chính quyền Cộng sản sẽ chặn lại.”
Ðó là những khán giả đặc biệt, còn những khán giả bình thường? Jacquelin Vũ, 36 tuổi, đến dự đại nhạc hội cùng gia đình, nhận xét: “Có lẽ sẽ có nhiều người cũng biết như tôi, một chương trình biểu diễn ngoài trời sẽ kèm theo nhiều hạn chế về trật tự, chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên chúng tôi vẫn mua vé, vẫn đến dự vì muốn biểu lộ sự tri ân những người đã hy sinh rất nhiều và đã gánh chịu rất nhiều thiệt thòi.”
Nhiều người đã gọi ngày hôm qua là một sự kiện có một không hai, ở nhiều khía cạnh chung quanh Đại nhạc hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, do Trung tâm Asia, đài
truyền hình SB-TN phối hợp tổ chức về phần văn nghệ, phối hợp
với Hội HO cứu trợ Thương phế binh và cô nhi quả phụ đã diễn
ra suốt từ 12 giờ trưa đến 7 giờ chiều ngày hôm qua.
Trước
giờ khai mạc, đồng bào đã đến sớm náo nức tham dự, trong lúc một
chiếc máy bay kéo biểu ngữ bay trên bầu trời Little Saigon với hàng chữ Cám Ơn
Anh Người Thương binh Việt Nam Cộng Hòa. Trên sân cỏ và chung quanh các cựu quân
nhân, cảnh sát viên mặc quân phục, các đoàn viên Gia đình Phật Tử Miền Quảng
Đức hăng hái mỗi người một nhiệm vụ của mình đóng góp cho đại
nhạc hội gây quỹ giúp Thương Phế Binh và quả phụ còn ở lại quê nhà.
Ngoài các thành viên Cộng đồng Việt Nam Nam Cali, các vị chức sắc tôn giáo, dân cử,.v.v
người ta thấy đông các hội đoàn như Liên Hội Cựu Chiến Sĩ, các
hội ái hữu Thủy Quân Lục Chiến, Quân Báo, Lôi Hổ, Biệt kích 81, Pháo Binh, Truyền
tin, Thủ Đức, Đồng Đế, Thiếu Sinh Quân, Cảnh sát quốc gia, Quân Cảnh,
hội quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, hội bảo tồn truyền thống vân vân. Trước
khi vào nơi trình diễn văn nghệ, đồng bào xúm lại bàn ký tên hỗ trợ nghị
quyết Cờ Vàng tại Hạ Viện California. Hàng ngàn đồng bào đã che dù giữa
trời nắng, ngồi trên sân cỏ hoặc hàng ghế tham dự đại nhạc hội.
Đây
là nhạc hội được thu hình trực tiếp bởi đài truyền hình SB-TN, để
bà con ở xa được dịp xem biết và gây quỹ giúp các Thương phế binh
và quả phụ đang sống ở Việt Nam. Vào lúc 1 giờ trưa, sau phần nghi lễ
chào quốc kỳ và những diễn từ ngắn của ban tổ chức, chương
trình văn nghệ đã bắt đầu được điều khiển do những
M.C. nổi tiếng của cộng đồng người Việt tại hải ngoại
như Nam Lộc, Leyna Nguyễn, Việt Dzũng, Minh Phượng, Orchid Lâm Quỳnh, Đỗ
Tân Khoa, Trịnh Hội, Giáng Ngọc, Ngụy Vũ, Trần Quốc Bảo, và đặc
biệt với sự xuất hiện của Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Trong lúc các tiếng hát
đang được cất lên, thì toàn bộ anh chị em xướng ngôn viên của đài
truyền hình SB-TN đã làm việc liên tục để bắt đầu chương trình
trực tiếp truyền hình lần đầu tiên bằng hệ thống satelitte, kéo dài suốt
6 tiếng đồng hồ để được trình chiếu trên toàn quốc Hoa Kỳ,
Canada và Úc Đại Lợi. Một căn lều đã được dựng và trong đó,
hệ thống công ty Total Call USA đã dựng 6 đường dây điện thoại trực
tiếp cho mọi người có thể gọi vào để đóng góp tiền bạc. Những
ca sĩ nổi tiếng thay phiên nhau ngồi trực điện thoại và trả lời
bà con cô bác, để nhận những đóng góp của khán giả. Trước đó qua những
lời kêu gọi của đài SB-TN, khán giả đã gởi về đóng góp trực tiếp
cho đài với số tiền lên đến trên 70,000 đô-la, và ngày hôm qua mọi người
không ngờ khi vào giờ chót ban tổ chức loan báo là những đóng góp trực tiếp
trên hệ thống SB-TN qua chương trình Telethon, đã lên đến trên 66,000 đô-la nữa.
Một
chi tiết đáng chú ý là công ty Total Call USA cho biết chỉ trong 6 tiếng đồng hồ,
có đến hơn 7300 cú điện thoại gọi vào để đóng góp tiền bạc,
mà trong đó vì điện thoại bận liên tục nên những nghệ sĩ chỉ trả
lời được có khoảng 20%, tức là khoảng 1500 cú điện thoại. Số
còn lại vì không chờ được nên đã cúp và hứa hẹn sẽ gởi tiền
sau. Trong khi đó chương trình văn nghệ vẫn diễn ra với nhiều tiết
mục đặc biệt. Người ta thấy ngoài những tiếng hát của trung tâm
Asia, còn có sự xuất hiện của nữ ca sĩ Loan Châu, Trúc Lam Trúc Linh của trung tâm
Thúy Nga, một màn trình diễn của một ban nhạc gồm những nhạc sĩ trong
quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa là ban nhạc The Soldier, một số những
tiếng haut trẻ như Bảo Việt hay những thành viên của ban nhạc Black April.
Nổi bật nhất trong ngày hôm qua là hai bạn trẻ Huy Phong và Huy Phát trong nhạc phẩm
"Ba", nói về ba sọc đỏ trên lá cờ vàng là tượng trưng cho tự do, dân chủ
và nhân quyền. Màn trình diễn của nữ ca sĩ Thanh Lan với ca khúc "Anh không chết
đâu anh", được phụ diễn bởi các toán quân nhân trong hội Bảo Tồn
Truyền thống quân lực Việt Nam Cộng Hòa, với cả xe Jeep và xe GMC chở theo
những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã từng tham chiến tại chiến trường
Iraq đóng phụ diễn. Các tiết mục khác cũng được sự cổ võ nhiệt
tình của khán giả, và sau khi hát xong chính các ca nhạc sĩ đã cầm thùng xuống xin
đồng bào đóng góp để giúp đỡ cho những thương phế binh tại
quê nhà.
Theo lời bà Hạnh Nhơn, chủ tịch hội H.O. Cứu trợ Thương
phế binh cho biết hiện nay hội đang có trên 7 ngàn hồ sơ đang cần được
giúp đỡ, và còn đang nhận thêm hàng ngàn những hồ sơ khác. Trong các năm qua,
hội đã giúp 8,430 lần cho thương phế binh và quả phụ ở Việt Nam.
Bà đã xúc động khi cho biết rằng với thành quả này, hội nay có thể giúp
cho những người này có một số vốn nho nhỏ để làm ăn, thay vì chỉ
cung cấp một số tiền nhỏ để mua nạng hay mua xe lăn xe lắc như
trước đây. Trong chương trình, ban tổ chức cũng đã công bố các vị
hảo tâm bảo trợ được liên tục loan báo trên loa phóng thanh, người mười
đồng, kẻ một trăm hai trăm, đặc biệt bà Nghiêm tú Lan công ty Realty World
10,000 đồng, chủ nhân Valleyjo Furniture Galleries 10,000 đồng, nhà hàng Thanh Thanh ở Arlington
Texas từ xa cũng gọi về đóng góp 5000 đồng, những cơ sở khác đóng
góp từ 500 đến một ngàn hai ngàn rất nhiều. Ngay cả những ca sĩ từ
xa không về kịp như Thế Sơn cũng đóng góp 500 đô-la, nữ ca sĩ Minh Tuyết
kẹt máy bay từ San Jose cũng gọi về đóng góp 2000 đô-la. Mặc dù ngày hôm qua
là một ngày nóng kỷ lục, nhưng cái nóng đã không làm nản lòng những nghệ sĩ
và các anh chị em trong ban tổ chức, đồng bào cũng đội mũ che dù ngồi
thưởng thức cho đến phút cuối cùng. Không khí vui nhộn như một ngày hội
và kéo dài cho đến 7 giờ chiều mới chấm dứt trong sự tiếc nuối
của khán giả có mặt. Đến giờ phút cuối, ban tổ chức tuyên bố tiền
đóng góp tại chỗ và qua các khán giả của đài truyền hình SB-TN lên đến
trên 180,000 đồng, cộng thêm những số tiền khác được bà Hạnh Nhơn
tiên đoán tổng cộng có thể lên trên 300,000 mỹ kim.
Chi tiết về tài chánh
sẽ được tổng kết và loan báo trong một vài ngày tới.
K11 Các Bạn; Ta đựơc may mắn sang đây, vẫn mang trong lòng dồng đội của chúng ta ở quê nhà một món nợ, Nay la dịp chúng ta đóng góp công sức , việc này cá nhân không thể đảm trách đượcc ,nay có dip vậy ban nào muốn tham gia hãy liên lạc với tôi dể chúng ta cùng đóng góp . Nhờ trang này với tư cách cá nhân tôi kêu gọi, tôi sẽ trao dổi với BDH chi hội Nam Calf nếu đồng ý thì nó trở thành của chi hội nam calf. Nguyễn Ngọc Trầm.
Hơn 60 Ca Sĩ, 20 Nhạc Sĩ, với 10 MC cùng
trình diễn trong đai nhạc hội“CÁM ƠN ANH-Người Thương Binh VNCH”
Chủ Nhật 25 Tháng 6, 2006 tại sân vận động Bolsa Grande, Nam California (Nguyễn Hùng Nhiên ghi nhận), Jun 05, 2006 “Những người ba mươi
năm Từ gần mười năm nay, các đoàn thể và tôn giáo VN hải ngoại, nhất là Hội H. O. Cứu trợ TPB, đã có nhiều nỗ lực giúp anh em Thương Phế Binh và các bà quả phụ chiến sĩ VNCH, nhưng sự giúp sỡ thật tình mà nói, quá... khiêm nhường. Nhiều cựu chiến sĩ bị mất cả hai chân, nay tới tuổi già yếu mà gia đình không xoay xở kiếm sống được, gặp hoàn cảnh rất thương tâm. Đại nhạc hội CÁM ƠN ANH ngày 25 tháng 6 này sẽ là dịp để đồng bào vừa xem văn nghệ thoải mái, vừa là dịp tỏ chút tình với cựu chiến binh VNCH từng một thời oai hùng lẫm liệt xông xáo trận mạc chiến đấu bảo vệ chính nghĩa quốc gia. Ca nhạc sĩ Nam Lộc, người đứng ra qui tụ văn nghệ sĩ tham dự, cho Việt Báo biết, có tới 20 nhạc sĩ, cả chục MC, và ngót 60 nam nữ ca sĩ đã hăng hái ghi tên tình nguyện đến giúp vui, trong nghĩa cữ vô vụ lợi này. Anh Nam Lộc nói, “đến giờ phút này tôi không dám nhận ghi danh nữa, vì thời gian một đại nhạc hội có hạn, mà hầu như nghệ sĩ nào cũng muốn đóng góp cho buổi văn nghệ giúp người chiến sĩ VNCH bị thương còn sống tại quê nhà”. Một số nghệ sĩ vì bận đi xa (theo lịch đã ấn định từ nhiều tháng trước) không về kịp trong ngày Chủ Nhật 25 tháng 6 này, đã liên lạc với anh Nam Lộc xin đóng góp tiền bạc, như các ca sĩ Thế Sơn, Thu Phương, Ý Lan, .v.v Phải công nhận sự qui tụ nghệ sĩ lần này gồm các nghệ sĩ thuộc nhiều trung tâm nhạc khác nhau, đã nói lên tinh thần phục vụ cộng đồng, làm việc xã hội của nghệ sĩ, không có chuyện đặt quyền lợi cá nhân, trung tâm này nọ. Họ đến giúp vui bất vụ lợi, cũng như giới trẻ THSV đã hợp tác cùng Hội H.O. Cứu Trợ TPB và nhiều hội đoàn khác vậy. Ca nhạc sĩ Nam Lộc đã từng qui tụ nghệ sĩ trong các nhạc hội xây Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt, sóng thần, giúp VietAct chống buôn người, ..v.v bày tỏ cảm tưởng về đại nhạc hội Cám Ơn Anh này: “tất cả giới nghệ sĩ chúng tôi rất cảm động và hãnh diện được tham gia đại nhạc hội này. Những năm trước, nghệ sĩ chúng tôi góp tiếng hát vô nhạc hội gây quỹ cho Tượng Đài, là để biểu lộ lòng biết ơn với chiến sĩ đã khuất. Nay, đến với đại nhạc hội Cám Ơn Anh là biểu lộ lòng tri ân những chiến sĩ còn sống. Mỗi người một tấm lòng nhỏ, hy vọng được đồng bào hưởng ứng thiệt đông đảo, cùng nhau góp phần xoa dịu chút gì đó cho cuộc sống các chiến sĩ quân đội hiện mang thương tích trên người, những bà quả phụ có chồng hy sinh trong trận chiến. Trong lúc đó,một trong nhiều MC đã ghi danh, (và là nữ MC được tiếng là có lối nói trên sân khấu lúc nào cũng dí dỏm pha chút hồn nhiên) , cô Nguyễn cao Kỳ Duyên bày tỏ với phái viên Việt Báo: “Các Thương Phế Binh VNCH tuy là những người không tên tuổi, có thể họ là binh nhất binh nhì thôi, nhưng sự đóng góp của họ tương đương với những người được vinh danh tên tuổi. Những chiến sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến, thời gian mươi năm trôi qua chắc nỗi đau khổ gia đình cũng đã nguôi ngoai trôi qua đi, còn những người thương tích tật nguyền, bị thua trận, có nhiều mặc cảm đe dọa, nên Duyên thấy Thương Phế Binh thật tội nghiệp hơn nhiều. Lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng không cần phải sống, quen và tiếp xúc với họ, mà người nào có tình cảm thì đều hiểu hoàn cảnh và thương họ hơn. Càng ở xa, càng thương và xúc động hơn. Mỗi người một cách đóng góp, như mua vé` tham dự thật đông thật nhiều chẳng hạn...”
Còn Doanh Doanh (ái nữ của nhà thơ Thái tú Hạp của báo Saigon Times, được mến mộ với giọng hát và lối diễn nhí nhảnh trẻ trung, nhất là nhạc Tàu) cho biết: “cháu đến với đại nhạc hội là một vinh dự, có dịp đóng góp vào cac sinh hoạt cộng đồng như cháu từng tham dự như các buổi văn nghệ gây quỹ xây tượng đài thuyền nhân, nhạc hội cứu trợ bão lụt, văn nghệ của Hội bạn Người Cùi, .v.v.Vả lại, ba cháu là chiến sĩ VNCH từng bị nhiều năm tù sau năm 1975, nên cháu hiểu được giá trị sự đóng góp cho xứ sở của các chú bác Thương Phế Binh vào cuộc chiến bảo vệ Tự Do...” Giọng ca trầm ấm Nguyên Khang, trong số các nghệ sĩ tiên phong ghi danh trình diễn đại nhạc hội Cám Ơn Anh, bày tỏ: “đây là nhạc hội duy nhất được coi là rầm rộ, nhắm tới việc trực tiếp trao tận tay người Thương phế Binh còn ở lại VN. Họ đã góp công sức cho Tổ quốc như những vị anh hùng. Tôi tin tưởng đồng bào mình ở đây, dù có vật lộn cuộc sống khó khăn, vẫn đầy đủ sung sướng hơn đa số đồng bào bên VN, nhất là người Thương Phế Binh từng hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng Quốc gia. Bà con hãy mua vé nhiều nhiều hơn lên , rủ nhau đi đông để ủng hộ TPB và quả phụ VNCH”. Còn MC Trịnh Hội, người luật sư trẻ năng nổ quen thuộc tên tuổi với đồng bào tỵ nạn từ Phi Luật Tân, và thường xuất hiện trên sân khấu Asia, khi được hỏi về động cơ nào thôi thúc anh đến với chương trình đại nhạc hội Cám Ơn Anh, anh trả lời ngắn gọn: “ Đây là một đóng góp cho những người kém may mắn !” Ban tổ chức kêu gọi quý vị đồng hương ở khắp mọi nơi hưởng ứng vào quỹ cứu trợ đầy ý nghĩa này để thay vì giúp nhỏ giọt như lâu nay, chúng ta có thể tạo cho mỗi gia đình thương binh và quả phụ tử sĩ VNCH có một số vốn khá hơn hầu có phương tiện sống còn trong những tháng ngày cuối đời. Chi phiếu xin ghi “ĐẠI NHẠC HỘI CÁM ƠN ANH” và gởi về địa chỉ: Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH (hoặc The H.O. Invalids & Widows Relief Association) P.O. Box 25554 Santa Ana, CA. 92799, USA (Nguyễn Hùng Nhiên ghi nhận)
|
No comments:
Post a Comment